Để đảm bảo tính kết nối, đồng bộ lâu dài, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn trong nước cập nhật dự báo nhu cầu giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới CHKQT Long Thành và nhu cầu giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay mới này nhằm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch cũng như tiến trình đầu tư hệ thống giao thông đáp ứng sự phát triển của Long Thành từng giai đoạn.
Theo đó, đối với khu vực TPHCM, Bộ xác định đây là hướng kết nối quan trọng nhất, ước tính chiếm khoảng 68%-73% nhu cầu giao thông kết nối của sân bay Long Thành. Do đó, đề xuất kết nối bao gồm tuyến đường bộ theo quy hoạch hiện có, là đường cao tốc TPHCM – Long Thành; Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; Đường tỉnh 25C.
Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường bộ, gồm: điều chỉnh quy hoạch tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu từ 8 làn lên 10-12 làn; bổ sung tuyến kết nối Liên vùng 04 (từ nút giao Gò Công – Quốc lộ 20). Tuyến này hình thành sẽ giảm bớt áp lực giao thông lên đường cao tốc TPHCM – Long Thành.
Bổ sung tuyến trên cao dọc theo Đường tỉnh 25C, vượt qua sông Đồng Nai, đi theo đường trục Bắc Nam, kết nối vào tuyến trên cao số 3, từ đó liên thông với toàn bộ hệ thống đường trên cao của TPHCM kết nối tới các khu vực quan trọng của TPHCM và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến này ưu tiên chỉ kết nối riêng TPHCM với sân bay Long Thành.
Đường sắt theo quy hoạch hiện có hai tuyến, là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay Long Thành với Thủ Thiêm, TPHCM. Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng kéo dài tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm, đi tiếp qua khu Thanh Đa sang đường Phạm Văn Đồng, đi dọc đường này kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Đối với khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hướng kết nối chính có đường cao tốc TPHCM – Long Thành, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và đường tỉnh 25C.
Khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ có hướng kết nối chính qua đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Quốc lộ 1A. Trong khi hướng kết nối với khu vực các tỉnh Tây Nguyên là qua đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Quốc lộ 20, Quốc lộ 14; Đường vành đai 4 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 .
Với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, hướng kết nối chính được thực hiện qua đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hay Quốc lộ 51, Đường vành đai 3 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Đường cao tốc thành TPHCM – Chơn Thành; Đường vành đai 4 TPHCM, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14 hay Đường tỉnh 741.
Đối với tỉnh Tây Ninh, hướng kết nối chính qua đường cao tốc TPHCM – Long Thành, đường vành đai 2 TPHCM, Quốc lộ 22 hay cao tốc TPHCM- Mộc Bài – Xa Mát; Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hay Quốc lộ 51, đường vành đai 3 TPHCM, Quốc lộ 22 hay đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài – Xa Mát.
Hướng kết nối với tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu là qua cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; Quốc lộ 51; đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu.
Long Thành – Đồng Nai sẽ là một vùng kinh tế mới, được quy hoạch đồng bộ – hạ tầng thiết kế hiện đại, cho phép kết nối nhanh với tất cả các vùng kinh tế phía Nam. Với nhiều công trình- dự án – cùng các tuyến đường lớn đang hình thành, song hành cùng tốc độ đô thị hóa cao sẽ là nguồn động lực lớn thúc đẩy giá trị bất động sản tại khu vực này tăng vọt trong giai đoạn 2021-2025